Góc. Số đo góc

I. Các kiến thức cần nhớ

1. Góc

Góc là hình gồm hai tia chung gốc. Gốc chung của hai tia gọi là đỉnh của góc. Hai tia là hai cạnh của góc.


Kí hiệu: \(\widehat {xOy}\) ; \(\widehat {AOB}\) … (viết đỉnh ở giữa) hoặc \(\widehat O\) .

– Góc bẹt là góc có hai cạnh là hai tia đối nhau.


– Điểm nằm trong góc


Khi hai tia \(Ox\) và \(Oy\) không đối nhau, điểm \(M\) gọi là điểm nằm trong góc \(xOy\) nếu tia \(OM\) nằm giữa hai tia \(Ox\) và \(Oy.\) Khi đó tia \(OM\) nằm trong góc \(xOy.\)

Nếu tia \(OM\) nằm trong góc \(xOy\) thì mọi điểm thuộc tia \(OM\) đều nằm trong góc \(xOy\).

2. Số đo góc

Đo góc

– Mỗi góc có một số đo xác định, lớn hơn \(0\) và không vượt quá \(180^\circ \) .

– Số đo của góc bẹt là \(180^\circ \)


So sánh hai góc

– Góc \(\widehat A\)  và \(\widehat B\) bằng nhau nếu số đo của chúng bằng nhau. Kí hiệu \(\widehat A = \widehat B\).

– Góc \(A\)  có số đo lớn hơn số đo góc \(B\) thì  góc \(A\)  lớn hơn góc \(B.\)  Kí hiệu \(\widehat A > \widehat B\)

3. Các loại góc

– Góc vuông là góc có số đo bằng \(90^\circ \) . Số đo của góc vuông còn được kí hiệu là 1v.

– Góc nhọn là góc có số đo lớn hơn \(0^\circ \)  và nhỏ hơn \(90^\circ \) .

– Góc tù là góc có số đo lớn hơn \(90^\circ \)  và nhỏ hơn \(180^\circ .\)


– Chú ý: Đơn vị đo góc là độ, phút, giây:  \(1^\circ  = 60′;\,1′ = 60”\)

II. Các dạng toán thường gặp

Dạng 1: Nhận biết góc. Viết kí hiệu góc.

Phương pháp:

Để nhận biết góc ta xác định hai tia chung gốc.

Để viết kí hiệu góc, ta viết ba chữ (đỉnh ở giữa) hoặc viết 1 chữ là đỉnh của góc.

Dạng 2: Đếm số góc

Phương pháp:

Nếu có \(n\,\left( {n \ge 2} \right)\) tia chung gốc (không có tia nào trùng nhau)  thì số lượng góc tạo thành là \(\frac{{n\left( {n – 1} \right)}}{2}\) .

Dạng 3: Điểm nằm trong góc

Phương pháp:

Để nhận biết điểm \(M\) có nằm trong góc \(xOy\) hay không thì ta xét xem tia \(OM\) có nằm giữa hai tia \(Ox;Oy\) hay không?

Dạng 4: So sánh hai góc

Phương pháp:

Muốn so sánh hai góc ta so sánh các số đo của chúng.

Author: Cô Minh Anh